Dịch vụ khách hàng: 0903.419.479

Dịch vụ khách hàng

0903.419.479

Kết hôn giả để đi nước ngoài có phạm tội hay không?

Tin tức ly hôn 22/04/2024

Hiện nay, vẫn có không ít trường hợp lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, có quốc tịch nước ngoài,… Đây là hành vi kết hôn giả tạo và bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, việc kết hôn không còn đơn thuần là vì mục đích xây dựng một gia đình hạnh phúc mà có một số người lại lợi dụng việc kết hôn nhằm trục lợi cá nhân ví dụ như lợi dụng việc kết hôn để hưởng các quyền có được khi kết hôn để xuất cảnh, định cư hoặc để có quốc tịch nước ngoài,...Vậy hành vi kết hôn giả là gì? Kết hôn giả để đi nước ngoài có phạm tội hay không? Pháp luật có quy định như thế nào về hành vi trên. Hãy cùng Công ty Luật Apolo Lawyers giải đáp cụ thể thông qua bài viết dưới đây.

1. Kết hôn giả tạo là gì?

Căn cứ tại Khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Theo Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Ngoài ra, Kết hôn giả tạo là một trong những hành vi bị cấm quy định tại Khoản 2, Điều 5 Luật hôn nhân gia đình 2014.

Có thể nói kết hôn giả tạo vẫn được đảm bảo về mặt thủ tục và các cặp vợ chồng vẫn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, mục đích kết hôn không đảm bảo, việc kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, nhưng hai người không hề chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích.

Thực chất đây chỉ là một cuộc hôn nhân theo thỏa thuận, hợp đồng ngầm trái với quy định của pháp luật để tiến hành kết hôn vì những lý do khác hơn là xây dựng tổ ấm trên cơ sở tình yêu.

Như vậy, kết hôn giả tạo là một trong những hành vi cấm của luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Kết hôn giả để đi nước ngoài có phạm tội hay không?

2. Xử lý kết hôn trái pháp luật? Ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật?

2.1. Quy định về xử lý việc kết hôn trái pháp luật:

Căn cứ tại Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc xử lý khi có hành vi kết hôn trái pháp luật như sau:

– Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về tố tụng dân sự

– Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình đồng thời hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình

– Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự

– Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn

2.2. Ai là người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật?

Căn cứ Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật như sau:

"1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật."

Theo đó, các đối tượng được quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật gồm:

- Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật gồm:

+ Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

Kết hôn giả để đi nước ngoài có phạm tội hay không?

3. Kết hôn giả để đi nước ngoài có tội không?

Như đã phân tích, việc kết hôn giả là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi vi phạm, pháp luật Việt Nam có những chế tài xử lý rất chặt chẽ. Cụ thể việc xử phạt hành vi kết hôn giả để đi nước ngoài được quy định như sau:

Căn cứ tại điểm d Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng trường hợp lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (quy định tại Khoản 3 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP).

Trong trường hợp đối với cán bộ, công chức thực hiện hành vi kết hôn giả đi nước ngoài sẽ bị xử phạt như sau: 

* Đối với cán bộ công chức

– Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng trong trường hợp Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức. (Khoản 9 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

– Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo:

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định nếu đã bị kỷ luật khiển trách hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

– Áp dụng hình thức hạ bậc lương:

+ Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: căn cứ tại Điều 10 Nghị định 112/2020/NĐ-CP nếu vi phạm khi đã bị phạt cảnh cáo, hoặc hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng

+ Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: căn cứ tại Điều 11 Nghị định 112/2020/NĐ-CP nếu vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng

* Đối với viên chức 

– Áp dụng hình thức khiển trách đối với viên chức trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức (Khoản 9 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP).

– Áp dụng hình thức cảnh cáo: nếu đã bị khiển trách hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

– Áp dụng hình thức cách chức: khi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng (khoản 2 Điều 18 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

– Áp dụng hình thức buộc thôi việc: nếu vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

Như vậy, hiện nay với hành vi kết hôn giả tạo để đi nước ngoài mới ở mức xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nếu chủ thể thực hiện hành vi là công chức, cán bộ; viên chức. Còn Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 chưa điều chỉnh tội liên quan đến việc kết hôn giả đi nước ngoài. Do vậy, việc kết hôn giả đi nước ngoài không được coi là có tội.

Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ Công ty Luật Apolo Lawyers hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.

CÔNG TY LUẬT APOLO LAWYERS

Tầng 10, Tòa nhà PaxSky, 51 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Tel: (028) 66 701 709 | 0939.486.086 | 0908.043.086

VĂN PHÒNG TẠI BÌNH THẠNH

Tầng 09, Tòa nhà K&M Tower, 33 Ung Văn Khiêm, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Tel: (028) 35 059 349 | 0908.097.068

_____________  

Email: contact@apolo.com.vn

Hotline: 0979.48.98.79

Chuyên trang về ly hôn của Apolo Lawyers: www.lyhon.net

>>> Xem thêm: Khi ly hôn có thể chia Bitcoin không?

>>> Xem thêm: Ly hôn đơn phương khi không có đầy đủ giấy tờ

APOLO LAWYESR

icon_email
phone-icon